Biểu tượng (Hoa sen)
Ai Cập:
Hoa sen là thứ hoa nhất hạng, nở ở những vùng nước tù đọng và bẩn đục, bông sen toàn mỹ một cách dâm đãng và tột bậc, là sự sống xuất hiện đúng lần đầu tiên trên khoảng mênh mông không rõ sắc màu của những vùng nước khởi nguyên. Trong tranh hình Ai Cập nó đã xuất hiện với ý nghĩa như vậy, trước tất cả, sau đó tạo hóa và vầng thái dương mới lóe ra từ trái tim rộng mở của nó.
Như vậy hoa sen trước hết là bộ phận sinh dục, là âm hộ mẫu gốc, bảo đảm cho các cuộc sinh thành và tái sinh truyền lưu mãi mãi. Từ Địa Trung Hải cho đến Ấn Độ và Trung Hoa, tầm quan trọng về mặt trần tục cũng như về mặt linh thiêng đều bắt nguồn từ hình ảnh cơ bản này. Hoa sen xanh được coi là linh thiêng nhất trên vùng đất Ai Cập, là loại hoa tỏa ra hương thơm của cuộc sống thần thánh.
Ấn Độ:
Hoa sen với màu sắc trong trắng trên bùn nhơ được hiểu với nghĩa đạo đức ở Ấn Độ. Những người theo Ấn giáo gắn hoa sen với niềm tin tín ngưỡng của họ và thường gắn với các vị thần như Vishnu, Brahma hay Lakshmi. Từ thời cổ đại thì hoa sen đã là biểu tượng thiêng liêng của người Hindu. Nó thường được sử dụng như là một ví dụ về vẻ đẹp linh thiêng, chẳng hạn Sri Krishna thông thường được miêu tả như là "người có mắt sen". Các cánh hoa đã nở được coi là sự mở rộng của tâm hồn và là biểu tượng của sự thăng hoa tinh thần. Vẻ đẹp của hoa sen tương phản với với nguồn gốc từ bùn lầy của nó thể hiện một sức mạnh tinh thần. Người ta cũng cho rằng cả Brahma và Lakshmi, các vị thần của sức mạnh và sự giàu có, có biểu tượng hoa sen gắn liền với họ tại chỗ ngồi của họ. Trong tiếng Hindi nó được gọi là Kamal, đây cũng là tên gọi phổ biến cho phụ nữ cũng như là một phần trong tên gọi của đàn ông tại Ấn Độ.
Hoa sen cũng được trích dẫn nhiều trong các văn bản Puranas và Vệ Đà.
"Người thực hiện bổn phận của mình mà không có sự quyến luyến, dâng các kết quả cho Đấng tối cao, sẽ không bị ảnh hưởng bởi các tác động tội lỗi, giống như lá sen không bị nước dính vào". Bhagavad Gita 5.10
Mặc dù chỉ là một loài hoa, nhưng hoa sen có nhiều huyền thoại nói về nguồn gốc thần thoại của nó, mà từ đó địa vị và ý nghĩa tinh thần lớn của nó đã được sáng tạo ra. Đáng chú ý nhất có lẽ là huyền thoại về "Samudra-manthana" - khuấy đảo đại dương.
Người ta kể rằng ngày xưa có một thời các vị thần thánh và quỷ dữ đã đạt được thỏa thuận là họ có thể cùng nhau khuấy đảo đại dương để lấy rượu tiên ẩn giấu dưới lòng đại dương. Khi họ đang khuấy tung đại dương lên thì biển cả đã để lộ ra 14 vật báu và bông hoa sen với Lakshmi ngồi trên đó là một trong số 14 vật báu này.
Vì hoa sen trong truyền thuyết có 8 cánh giống như không gian có 8 hướng, sen còn được coi là biểu tượng của sự hài hòa vũ trụ. Nó được dùng nhiều theo nghĩa này trong hình vẽ của nhiều mandala và yantra.
Vay mượn các ý nghĩa của hoa sen trong Ấn giáo, trong Phật giáo hoa sen tượng trưng cho sự tinh khiết của thể xác, lời nói và tinh thần, vượt ra ngoài ái. Đức Phật thông thường được vẽ trong tư thế ngồi trên đài sen khổng lồ tỏa sáng lung linh.
Trung Hoa:
Văn chương Trung Hoa, vốn kết hợp lối chuộng phúng dụ với một chủ nghĩa hiện thực sâu sắc, đã dùng từ sen để chỉ đích danh âm hộ, và danh hiệu phỉnh nịnh dành tặng những cô nàng đĩ thõa là Sen vàng [2] .
Nhật Bản:
Trong một giải thích tầm thường hóa hơn, văn học Nhật Bản thường coi loài hoa này, trong trắng đến thế giữa vùng nước bẩn, là một hình ảnh đức hạnh, vẫn có thể thanh khiết và nguyên vẹn giữa xã hội đầy những điều đê tiện, mà chẳng cần phải lui về một nơi hoang vắng như hoa lan (lan sinh u cốc, kỳ hương doanh dã), hoa cúc (biểu tượng của thú vui ở ẩn của kẻ sĩ).
Việt Nam:
Hoa sen là biểu tượng cho sự trong sạch ở Việt Nam. Có câu ca dao:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Hiệu ứng lá sen và công nghệ nano
Trong văn hoá Á Đông hoa Sen từ ngàn năm nay được xem là biểu tượng của sự trong sạch. Cây Sen phát triển và trổ hoa từ những đầm lầy. Từ lá sen những giọt mưa chảy xuống cuốn theo tất cả những bụi bặm bám trên lá …
Ngay những chất có độ đặc cao như mật ong, dầu ăn và chất keo cũng không dính lại vì rất ít điểm chạm trên mặt lá … Chuyên gia gọi đó là “hiệu ứng lá sen” hoặc “sự tự làm sạch”, khi các điều kiện cơ bản cho phép: nước có thể lăn và cuốn theo chất dơ. Mặt bằng “Easy to clean” có nghĩa là khi rửa chỉ cần nước là đủ để rửa sạch hết bụi dơ …
Vào thập niên 90 một giảng sư đại học Đức chuyên về thực vật học đã mô tả cơ bản hoá lý của “hiệu ứng lá sen” như sau: Nguyên nhân chính yếu là cấu trúc của bề mặt. Trên bề mặt có những điểm lồi của tế bào và trên đó có những hạt crystal nhỏ được phân tán đều. Cấu trúc hai lớp này tạo ra một hiệu ứng vật lý: hạt nước rớt trên lá cuộn thành hình tròn lăn xuống khỏi lá và cuốn theo luôn các vết bụi.
Ngày xưa… Người ta đã bắt chước thiên nhiên tạo ra những mặt bằng có chất quét chất dầu, Silicon, hoặc wax. Những chất này phần nhiều là kỵ nước, rất hiếm có chất kỵ dầu, chất mỡ…
Ngày nay… Với công nghệ NANO người ta đã có khả năng chế ra cấu trúc của lá sen. Chất NANO kết hợp với mặt bằng và trở thành một phần của bề mặt … Như vậy lớp NANO không còn được gọi là một lớp tráng bề mặt. Nguyên liệu và bề mặt của chúng qua đó có thêm những tính chất mà cho đến nay chúng ta hoàn toàn không biết đến …