Sự cố liên tục với trạm cân xe tải lưu động

Thứ tư - 28/05/2014 18:05 4034 0
Quá nhiều sự cố liên tục với trạm cân xe tải lưu động nguyên nhận tại đâu, do người sử dụng hay do lỗi kỹ thuật, vậy liệu giải pháp cân đo này có hoàn toàn tin tưởng
Sự cố liên tục với trạm cân xe tải lưu động
* tags di chuyển nhanh:

+ Trạm cân lưu động đua nhau hỏng
+ Phê bình, nhắc nhở các tỉnh chưa cân xe quá tải trọng
+ Trạm cân di động lắp ráp từ thiết bị Trung Quốc?
+ Cân trọng tải xe liên tục hư hỏng
+ Kiến nghị kiểm tra lại độ chính xác của cân tải trọng xe
+ Tài xế cự cãi gay gắt tại trạm cân vì ‘không phục’

+ Chuyên gia hiến kế dẹp chiêu phá hoại của "cân tặc"


Tình trạng chung tại nhiều địa phương trên cả nước trong suốt thời gian truyển khai "trạm cân xe tải lưu động" để kiểm tra và xử lý hành chính đối với các phương tiện khi phát hiện vi phạm bằng cân điện tử - tuy nhiên luôn đồng hành theo là các khó khăn luôn gặp phải của các bộ phận thi hành, như bị chống đối, bị cản trở bởi thời tiết, bị phá hoại bởi các tay "tài xế loạn" .... bên cạnh đó cũng phải thừa nhận sự không hợp tác từ phía các tài xế trong đó có cả "cố ý" và "vô ý" tại hiện trường. Tiếp theo lạot bài về các trạm cân lưu động trên cả nước Hoa sen vàng đăng tải các vấn nạn (phần 2) có các bài về tình trạng các trạm cân hay bị hư hỏng và các nghi vần xung quanh chất lượng trạm cân.

--- thi nhau hỏng và ngưng hoạt động là tình trạng chung của trạm cân

Trạm cân lưu động đua nhau hỏng


26/04/2014 - PetroTimes - Nhằm “siết” tải trọng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã trang bị cho mỗi tỉnh, thành một bộ cân lưu động. Tuy nhiên, chưa đầy 1 tháng thực hiện, các trạm cân bộc lộ hàng loạt sự cố, khiến dư luận không khỏi hoài nghi về chất lượng của công cụ kiểm soát tải trọng xe do Công ty TNHH Một thành viên Hanel cung cấp.

Vừa dùng đã hỏng…?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng loạt cân xe từ 1/4/2014. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng thực hiện, hệ thống cân lưu động đã bộc lộ quá nhiều bất cập xung quanh vấn đề chất lượng.

Ngày 1/4, Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai tiến hành lắp đặt, đưa vào sử dụng trạm kiểm tra tải trọng lưu động trên Quốc lộ 51. Tuy nhiên, hệ thống cân lưu động này liên tục gặp trục trặc về kỹ thuật. Trong 2 ngày (9 và 10/4), trạm cân này bị lỗi không nhận dạng hình ảnh phương tiện. Đến 11/4, camera bị hư hỏng, đường truyền kết nối với hệ thống mạng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên bị giãn đoạn. Tương tự, trạm cân do Sở Giao thông Vận tải Phú Yên quản lý cũng gặp không ít lỗi kỹ thuật. Máy tính của trạm cân thỉnh thoảng bị “nghẽn” không kết nối được với hệ thống, khiến việc cân xe mất rất nhiều thời gian và ảnh hưởng giao thông.


1-tram-can-xe-tai-dua-nhau-hong

Bên cạnh đó, rất nhiều trạm cân vừa mới đưa vào sử dụng đã bộc lộ trục trặc về kỹ thuật và phải dừng hoạt động. Ngày 15/4, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định tiến hành lắp đặt, đưa vào sử dụng trạm kiểm tra tải trọng lưu động trên Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, sau hơn một ngày khai thác, bộ cân lưu động đã buộc phải tạm ngừng hoạt động do lỗi kỹ thuật. Cùng ngày, trạm cân lưu động tại trên Quốc lộ 9 do Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị lắp đặt cũng mắc lỗi sau hai tuần đưa hoạt động, đặc biệt là sự cố xe tải đăng ký biển Lào không được thiết bị cân nhận diện để trích xuất biên lai.

Không chỉ thiết bị cân mắc bệnh, “sai số” trong quá trình cân trọng tải xe cũng là một vấn đề làm cho cơ quan chức năng đau đầu. Đã có rất nhiều trường hợp xe cân ở trạm này thì không quá tải trọng, nhưng đến trạm khác lại vượt. Điển hình, kết quả cân xe tải mang biển kiểm soát 73L-7053 tại trạm Cầu Gianh và cũng xe này cân đối chiếu tại trạm điện tử đặt trên đường tránh thành phố Đồng Hới cho thấy, trạm Cầu Gianh có sai số.

Hay như trường hợp xe tải mang biển kiểm soát 72C-019.XX chở 25 tấn mực khô từ Bình Dương ra Lạng Sơn. Số hàng hóa trên xe được bảo quản lạnh, thùng hàng được niêm phong, kẹp chì ngay sau khi giao nhận hàng. Trên quãng đường từ Bình Dương đến Quảng Bình, xe đã được cân trọng tải lưu động tại các tỉnh và đều có trọng tải cho phép. Tại trạm cân tại Quảng Ngãi cho kết quả 44,71 tấn. Tuy nhiên, khi cân tại trạm cân lưu động ở cầu Gianh kết quả lại là 52 tấn (chênh 8,4%). Với trọng tải này, chiếc xe bị xử phạt vì quá tải so với quy định. Bức xúc, lái xe vào trạm cân điện tử 180 tấn trên đường tránh thành phố Đồng Hới để cân đối chứng. Kết quả ở trạm cân này cho thấy xe có tải trọng là 47,3 tấn.

Liên quan đến sự cố mà các trạm cân lưu động gặp phải, bà Bùi Thị Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hanel cho biết: “Bộ cân lưu động bị hư hỏng, gặp trục trặc chủ yếu do lỗi vận hành”.
Hanel đã tiếp nhận, phân tích và đánh giá 39 trường hợp sự cố trong gần 1 tháng qua. Trong đó, 12 trường hợp sự cố do thiết bị được lắp đặt, bảo quản chưa đúng quy trình, 6 trường hợp do lái xe cố tình phá hoại, 16 trường hợp do lỗi người sử dụng trong quá trình vận hành và 5 trường hợp do bị ngâm lâu trong nước ngập. Lỗi nhiều nhất vẫn là do người vận hành không đúng quy trình, hướng dẫn sử dụng. Để khắc phục lỗi này, Hanel đã lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, tư vấn và hướng dẫn biện pháp khắc phục sự cố, vận hành hệ thống cân đúng quy trình. Đường dây nóng này sẽ được duy trì trong thời gian 24 tháng, đúng với thời gian bảo hành các trạm cân.

Còn những phản ánh cân cho kết quả sai số, không đúng với thực tế về tại trọng xe, Hanel khẳng định đều là do nhân viên vận hành trạm cân không thực hiện đúng hướng dẫn kỹ thuật và quy trình vận hành cân. Sau khi được bộ phận kỹ thuật của Hanel hướng dẫn, các trạm cân đều xác nhận không còn hiện tượng này. Trước những thắc mắc về việc, mỗi khi trời mưa là trạm cân phải nghỉ, bà Bùi Thị Hải Yến cho rằng, trong tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị đã nêu rõ, bộ cân có thể sử dụng trong điều kiện thời tiết trời mưa, nhưng thiết bị cân là thiết bị điện tử không chịu được tình trạng ngập nước và ngâm lâu trong nước. Thời gian qua, Hanel đã tư vấn trực tiếp cho rất nhiều tỉnh thành về cách sử dụng và bảo quản thiết bị cân trong thời tiết trời mưa”.

Độ chính xác 99%

Trong giai đoạn 1, Hanel được chỉ định thầu thí điểm cung cấp 10 bộ cân lưu động, tổng giá trị mỗi bộ cân 2,24 tỉ đồng (cân hơn 900 triệu đồng, ô tô 1,3 tỉ đồng). Giai đoạn 2, Hanel tiếp tục được chỉ định thầu thực hiện 57 bộ cân, tổng giá trị 1,99 tỉ đồng/bộ. Hệ thống trung tâm bao gồm máy chủ và phần mềm quản lý đặt tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng được chỉ định thầu. Những bộ cân lưu động đang phục vụ công tác “siết” tải trọng phương tiện cơ giới đường bộ được “sinh ra” theo đơn đặt hàng và đó là những “đứa con đầu lòng” của Hanel về việc sản xuất cân lưu động.

Cũng theo lời vị Phó Tổng gGiám đốc Hanel thì, hệ thống cân lưu động mà các địa phương đang sử dụng để “siết” tải trọng phương tiện, được Hanel thiết kế, sản xuất theo đơn đặt hàng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Hệ thống cân này có 40% thiết bị được nhập khẩu từ Canada, Hungary, Nhật Bản, Trung Quốc và 60% là nội địa do Hanel nghiên cứu, thiết kế, sản xuất. Bộ cân lưu động đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy phép kiểm định, xác nhận đạt độ chính xác 99,5%. Ngoài ra, phần mềm điều hành hệ thống cân do Hanel xây dựng nên làm chủ về công nghệ, đáp ứng đúng các yêu cầu đặt hàng và thay đổi của khách hàng.


1-tram-can-xe-tai-dua-nhau-hong

Giải thích về một số lỗi có thể gây sai số khi cân hoặc làm hệ thống cân hư hỏng. Cụ thể, điều kiện mặt bằng tối thiểu để hệ thống cân hoạt động an toàn và có chỉ số chính xác là 3,5m x 0,6m và phải trên một mặt phẳng. Mặt bằng phải được thi công bằng bê tông cốt thép và chịu được tải. Thực tế hiện nay cho thấy, 100% các đơn vị sử dụng cân không đáp ứng được tiêu chuẩn về điểu kiện mặt bằng. Tại một số đơn vị, cân được đặt trong điều kiện vi phạm nặng tiêu chuẩn mặt bằng, như mặt đường gồ ghề, phía dưới cân có gờ đá làm cho mặt cân bị cong vênh, cáp đo và dây đo bị biến dạng cục bộ. Bên cạnh đó, cột tiếp điện phải cao 1,5m và phải được đóng sâu xuống đất tối thiểu là 1,2m, nhưng hầu hết các tỉnh thành không đáp ứng yêu cầu này, thậm chí có đơn vị chỉ đóng cọc tiếp đất sâu 20-50cm, gây phóng điện, đứt cầu chì.

Ngoài ra, hệ thống cân bao gồm 7 thiết bị điện tử có độ chính xác cao, do vậy việc bảo quản từng thiết bị cũng cần được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy định. Đây là lỗi mà rất nhiều tỉnh thành đã và đang mắc phải. Tình trạng kiệt pin và ắc quy là hệ quả trực tiếp của việc ắc quy không sử dụng, không nạp lại điện, thiết bị để lâu không sử dụng. Kỹ thuật viên vận hành hệ thống cân phải được đào tạo, tập huấn sử dụng hệ thống, bởi vì hệ thống cân là một tập hợp các thiết bị điện tử có độ chính xác cao, phải thực hiện theo đúng các quy trình, quy định kỹ thuật của hệ thống.

Hanel đã phối hợp cùng Tổng cục Đường bộ tổ chức 3 đợt tập huấn sử dụng hệ thống cân, trước khi bàn giao hệ thống cân cho các địa phương. Tuy nhiên, tại các tỉnh thành cho thấy đa số các trường hợp người được tập huấn sử dụng hệ thống lại không phải người trực tiếp vận hành hệ thống cân tại địa phương. Tình trạng này dẫn đến việc sử dụng, vận hành hệ thống cân sai quy trình, gây hỏng hóc cho thiết bị. Những hiện tượng phổ biến là đặt sai vị trí của mắt thần camera gây ra lỗi chụp ảnh, vận hành sai làm dây cáp bàn cân bị đứt…

--- tại sao đã gần hai tháng truyển khai các địa phương trên vẫn khoanh tay

Phê bình, nhắc nhở các tỉnh chưa cân xe quá tải trọng


02/04/14 - Vietnam+ - Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ngày cân xe đầu tiên, các lực lượng chức năng trên cả nước đã kiểm tra 717 xe, phát hiện 160 xe vi phạm (chiếm 22,3%).

Các tỉnh chưa triển khai cân xe gồm: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Đắk Lăk, Đắk Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp. Gia Lai, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên GIang,Long An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), qua ngày đầu ra quân đồng loạt triển khai kiểm soát tải trọng xe trên cả nước từ 1/4, nhiều địa phương vẫn còn chậm trễ chưa thực hiện cân xe.

Đánh giá của Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho thấy, các lái xe tải dừng hoạt động, có tình trạng nghe “ngóng” để dõi theo thái độ của cơ quan chức năng những ngày tiếp theo, các xe khác lưu thông trên đường phần lớn chở đúng tải.

“Các tỉnh phía Bắc và miền Trung hực hiện tương đối tốt, các tỉnh miền Tây Nguyên, Tây Nam bộ triển khai chậm (mới có Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Kon Tum, Bến Tre, Cần Thơ… tiến hành cân xe). Trong ngày đầu ra quân tại Hải Phòng, lái xe vi phạm đã không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng thực thi nhiệm vụ làm hỏng thiết bị cân, hiện cơ quan chức năng đang điều tra và giải quyết,” ông Thắng cho hay.

5-kien-nghi-kiem-tra-can

Cũng theo ông Thắng, một số địa phương có triển khai bộ cân lưu động nhưng vẫn triển khai thêm bộ cân xách tay như Hà Nội, Hà Nam, Phú Thọ, Kon Tum…

Để công tác kiểm soát xe quá tải diễn ra đồng loạt giữa các tỉnh trên cả nước, ngày hôm nay (2/4), Tổng cục Đường bộ đã có Công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ biểu dương kịp thời các địa phương đã triển khai cân xe quyết liệt công tác ngay từ ngày đầu tiên đồng thời phê bình, nhắc nhở các địa phương chưa đưa cân lưu động ra hoạt động.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo quý I của Bộ Giao thông Vận tải chiều nay, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đợt “siết” xe quá tải này kéo dài trong một tháng và việc các tỉnh thành chưa ra quân đồng loạt là chuyện bình thường.

Lý giải điều này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, nguyên nhân là do các tỉnh chưa thể tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, sân bãi hạ tải… để phục vụ cho công tác cân xe. Hơn nữa, các tỉnh chưa ra quân là xe quá tải không nhiều như ở Đồng bằng Sông Cửu Long, đường sá không như phía Bắc, đi lại bằng đường thủy là chính.

“Tuy nhiên, Bộ đã có Công điện gửi đến các tỉnh thành, chậm nhất trong tuần này phải triển khai thực hiện kiểm soát xe quá tải. Những tỉnh nào chưa thực hiện thì sẽ nhắc nhở, phê bình,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định./.

--- nghi vấn trạm cân sử dụng toàn hàng "mã" mang danh là tự sản xuất

Trạm cân di động lắp ráp từ thiết bị Trung Quốc?


17/04/2014 NLĐO - Trước dư luận xung quanh việc trạm cân di động được làm toàn bộ từ các thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc nên thiếu chính xác, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu lãnh đạo Công ty TNHH MTV Hanel giải trình.
Sáng nay 17-4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã sơ kết nửa tháng đầu tiên triển khai kiểm soát trọng tải phương tiện trên địa bàn cả nước.

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết thời gian vừa qua đã có những dư luận cho rằng việc sản xuất, láp ráp các thiết bị tại trạm cân di động có dấu hiệu không minh bạch, thiết bị được sản xuất, lắp ráp đều được nhập khẩu từ Trung Quốc nên tính chính xác không cao. Ông Thăng đề nghị lãnh đạo Công ty TNHH MTV Hanel - đơn vị được chỉ định gói thầu cung ứng thiết bị trạm cân di động - trả lời trực tiếp về vấn đề này.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel, cho rằng thiết bị sản xuất, lắp ráp tại các trạm cân trọng tải xe đều được thiết kế, chế tạo nội địa hóa theo đúng tiêu chuẩn, yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. “Thiết bị chính trong trạm cân được nhập khẩu từ châu Âu, Nhật Bản, Canada; bàn cân được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa họ và Công nghệ) cấp giấy phép kiểm định, mà theo đó trạm cân của Hanel đạt độ chính xác 0,5%”- ông Bình nói.


3-can-trong-tai-xe-lien-tuc-hong

Theo ông Bình, camera của trạm cân di động được nhập khẩu từ đối tác ở Nhật Bản và Hungary và đều có giấy chứng nhận của phòng thương mại 2 nước này. Máy tính xách tay có cài phần mềm window 7 bản quyền do hãng máy tính HP sản xuất, cấu hình mạnh nhất tại thời điểm được phê duyệt và theo tiêu chuẩn khắt khe của ngành quân đội. Nhiều thiết bị khác được sản xuất nội địa bởi công ty Hanel.

“Chỉ riêng bóng đèn led được nhập khẩu của Trung Quốc thôi. 99% giá trị hệ thống của trạm cân di động được nhập khẩu từ Châu Âu và nội địa hóa”- ông Bình khẳng định.
Ông Bình thừa nhận từ khi triển khai thí điểm hệ thống trạm cân di động tới nay đã xảy ra 33 sự cố liên quan đến lỗi camera, đèn led, hết pin… Nguyên nhân chủ yếu xuất từ việc bỏ bê thiết bị 2-3 tháng không dùng nhưng lại không bảo quản đúng cách hoặc đặt thiết bị không đúng vị trí,... Tuy nhiên đến nay các trạm cân đều đang hoạt động bình thường.

Hanel đã đề nghị các đơn vị vận hành phải bố trí mặt bằng bê tông, đoạn đường tốt, không bị lún nứt để vận hành trạm cân được ổn định. “Qua thực tế chúng tôi thấy có những chỗ mặt bằng đặt trạm cân không bằng phẳng, đường sá hư hỏng. Điều này sẽ khiến việc đo thiếu chính xác hoặc hư hỏng thiết bị”- ông nói và cho biết bộ cân được chỉ định với giá thấp hơn nhiều so với việc nhập khẩu từ nước ngoài; riêng phần cứng thì Hanel gần như không có lãi.

“Bộ trưởng hỏi có tham nhũng không? Chúng tôi làm việc theo chỉ đạo của Bộ trưởng, với giá thành hiện nay chúng tôi đã lỗ nên không có chi phí nào nữa để làm việc khác. Vì công việc chung, chúng tôi cũng là doanh nghiệp nhà nước nên phải làm hết mình. Chúng tôi khẳng định có thể làm chủ công nghệ, nếu chúng tôi không làm được phần này nữa thì chúng ta sẽ phải trả chi phí rất cao cho các giải pháp phần mềm. Nếu chúng ta có sự chuẩn bị chặt chẽ, chúng tôi khẳng định thiết bị sẽ hoạt động thường xuyên, 24/24 liên tục” - ông Bình nói.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết việc đầu tư mua sắm các bộ cân lưu động giai đoạn 2013-2015 đã được chỉ định thầu cho Công ty TNHH MTV Hanel thực hiện, tổng giá trị của 1 bộ cân lưu động trên 2,2 tỉ đồng (ô tô trên 1,3 tỉ đồng và bộ cân trên 936 triệu đồng). Để trang bị 67 bộ cân lưu động giai đoạn 2013-2015, cần tổng số tiền trên 136 tỉ đồng.

--- vận hành là hỏng lỗi tại ai ? nguyên nhân tại sao ? người sử dụng hay lỗi kỹ thuật ?

Cân trọng tải xe liên tục hư hỏng


12/05/2014 NLĐO – ghi nhận 32/63 cân trọng tải phương tiện đã bị hư hỏng do lái xe cố tình phá hoại, vị trí đặt trạm cân không bằng phẳng, vận hành thiết bị không đúng quy định…

Sáng 12-5, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan để kiểm điểm tình hình thực hiện việc trang bị 67 bộ cân lưu động kiểm soát trọng tải xe trong thời gian qua.
Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án 4 (đơn vị được giao quản lý dự án), giai đoạn đầu vận hành trạm cân trọng tải xe lưu động còn xảy ra nhiều sự cố.

Thống kê của Công ty Hanel A&M - công ty thành viên của Công ty TNHH MTV Hanel - cho thấy đến nay đã có 32/63 tỉnh, thành phố (chiếm khoảng 50%) đơn vị sử dụng trạm cân trọng tải xe lưu động gặp sự cố. Trong đó, 8 sự cố do phá hoại (xe quá tải cố tình đi ra ngoài bàn cân nhưng không dừng, xe ô tô phanh gấp đẩy bàn cân trôi gây hư hỏng cáp, giắc kết nối và bàn cân); 9 sự cố do lỗi thiết bị (camera hỏng, mất tín hiệu đường truyền với bảng LED, UPS hỏng, pin máy vi tính hỏng); 15 sự cố do lỗi người sử dụng (tự thay đổi phần mềm hệ thống; tháo lắp đầu nối không đúng quy định).

2-phe-binh-tinh-thanh-chua-trang-bi-can

Công ty Hanel A&M đã lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, tư vấn và hướng dẫn biện pháp khắc phục sự cố, vận hành hệ thống cân đúng quy trình. Tuy nhiên, lực lượng kỹ thuật còn nhiều hạn chế, một số thiết bị như camera, UPS... chưa đủ điều kiện vật tư thay thế nên một số trường hợp chưa khắc phục kịp thời. Hiện có 4 sự cố chưa khắc phục được đều do lỗi camera do phải chờ sửa chữa bảo hành ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Hồng Trường yêu cầu rà soát, đánh giá rõ về quy trình vận hành, tốc độ đi qua trạm cân, việc sử dụng trạm cân… nhằm tránh sai sót dẫn đến hư hỏng cân như thời gian qua. Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với Công ty TNHH MTV Hanel đánh giá chất lượng bộ cân sau một thời gian triển khai và làm rõ những mặt tồn tại, bất cập trong quá trình sử dụng bộ cân trọng tải xe để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.

---- nghi vấn độ chính xác của các trạm cân, đâu là cán cân chính xác cho vấn đề

Kiến nghị kiểm tra lại độ chính xác của cân tải trọng xe


07/05/2014 – TNO - Sau khi phát hiện Trạm cân lưu động số 23 có chênh lệch lớn so với cân của một đơn vị trung lập, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã có văn bản kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra lại.
Ngày 7.5, ông Võ Quang Lâm, Chánh thanh tra Sở GTVT Quảng Nam, kiêm Trạm trưởng Trạm cân tải trọng lưu động số 23, cho biết qua so sánh kết quả cân một số trường hợp tại trạm với cân điện tử của một công ty trung lập (có giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan chuyên môn) để đối chứng thì có sự chênh lệch.

Cụ thể, tổng tải trọng cân tại Trạm cân số 23 lớn hơn tổng tải trọng cân điện tử của đơn vị trung lập từ 1-2 tấn.
Theo ông Lâm, vấn đề chênh lệch ảnh hưởng trực tiếp đến mức xử phạt, nên Trạm cân số 23 đã có báo cáo đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam cử cán bộ vào kiểm tra lại cân tải trọng tại trạm, đảm bảo cân hoạt động bình thường.


4-can-trong-tai-xe-trung-quoc-san-xuat
 
“Cân ở cảng của chủ hàng có kiểm định, cân ở trạm cũng đã được ngành chức năng kiểm tra trước khi hoạt động. Thế nhưng khi cân tải trọng xe thì có sự chênh lệch giữa cân của chủ hàng với cân tại trạm. Do vậy, khi xử lý thì chủ hàng và tài xế không đồng tình. Phải có một đơn vị nào đứng ra trưng cầu giám định thì mới nói ai đúng, ai sai được”, ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, mặc dù văn bản kiến nghị kiểm tra lại độ chính xác của cân tải trọng xe đã được gửi đi vào ngày 23.4, song đến nay Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn chưa có hồi âm.
Theo báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm tải trọng xe của ngành chức năng Quảng Nam, triển khai đợt 1 (từ ngày 21-25.4) trên QL1, Trạm cân lưu động số 23 đã kiểm tra tất cả 286 xe, xử lý vi phạm đối với 30 xe, tổng số tiền xử phạt 170 triệu đồng.

--- không đồng ý với cơ quan chức năng - liệu có được lên tiếng ?

Tài xế cự cãi gay gắt tại trạm cân vì ‘không phục’


23/04/2014 –TNO - Tổng trọng lượng xe không vượt tải cho phép nhưng khi cân trục 3, một xe đầu kéo lại quá tải khiến tài xế bức xúc, tranh cãi gay gắt khi bị lập biên bản.
Sáng nay 23.4, sau khi vào cân tại trạm cân tải trọng lưu động số 23 tại Quảng Nam, một tài xế lái xe container chở hàng đã bị lập biên bản do trục 3 vượt tải đến 10% tải trọng cho phép.

Theo trình bày của tài xế Văn Trọng Chinh (37 tuổi, trú tại Tiền Giang), người lái chiếc container trên, khi xe qua trạm cân, toàn bộ chiếc xe không vượt quá trọng lượng cho phép (chưa được 48 tấn).

6-tai-xe-xe-tai-tram-can-xe-qua-tai-1
 
Thế nhưng, trục 3 chiếc container lại vượt tải 10%, theo đó anh Chinh bị lập biên bản và bị phạt 2,5 triệu đồng.

“16 giờ ngày 22.4, tôi điều khiển xe chở hàng là nước tăng lực đi từ Hà Tĩnh vào miền Nam và đã đi qua các trạm cân nhưng không bị xử phạt. Nhưng khi đến Quảng Nam thì xe bị giữ lại lập biên bản với lý do trục 3 quá tải. Tôi không phục, xe tôi đâu quá tải. Trong khi những trạm cân trước đó, cứ cân đủ tải trọng toàn xe là được đi”, anh Chinh nói.

Khi được lãnh đạo trạm cân 23 giải thích: tải trọng trục quá tải là do nhà xe chất hàng không đều trên toàn thân container, anh Chinh tỏ ra bức xúc: “Tôi làm sao biết được xếp hàng sao cho đều, chỗ nào nặng chỗ nào nhẹ trong khi phải bốc xếp vào hàng chục tấn”.
6-tai-xe-xe-tai-tram-can-xe-qua-tai-2
 
Theo ông Thái Minh Hoàng, Đội trưởng Đội Thanh tra đường bộ số 3 (Thanh tra giao thông Quảng Nam) cho biết, theo quy định thì xe quá tải trục buộc phải xử lý. Bởi trục xe chính là tác nhân phá hoại hạ tầng đường bộ.
“Chúng tôi cũng khuyến cáo, các chủ phương tiện khi đưa xe bốc xếp hàng thì phải cân tải trọng trước khi xe lưu thông”, ông Hoàng nói.

Tại trạm cân số 23 vào sáng 23.4, giữa lực lượng chức năng và các tài xế vẫn “đôi co” về vấn đề này. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo trạm cân vẫn xử phạt tài xế lẫn chủ hàng trên xe container vì đã có quy định.
Ông Võ Quang Lâm, Chánh thanh tra giao thông Quảng Nam, nhìn nhận cân tải trọng được trang bị có sự chênh lệch so với cân của chủ hàng nên khi lập biên bản xử lý, chủ hàng không đồng tình.

“Chúng tôi đã có công văn gửi Bộ GTVT để hỏi về vấn đề này”, ông Lâm nói.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, vào sáng 23.4, trên tuyến đường Nguyễn Hoàng (TP.Tam Kỳ) đoạn trước trạm cân tiếp tục xảy ra tình trạng hàng chục xe tải “nằm lì” chờ thời cơ để qua trạm.


--- cần nhiều hơn những ý thức hơn là kế sách chống chế

Chuyên gia hiến kế dẹp chiêu phá hoại của "cân tặc"


28/05/2014  - Soha.vn - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên hiến kế để các chiêu trò phá hoại cân điện tử của tài xế không còn đất sống.
Gần đây, dư luận nhiều tỉnh xôn xao trước những chiêu trò phá hoại cân điện tử của tài xế xe quá tải. Theo đó, có cân không hiểu vì lý do gì mà camera lại chiếu… lên trời, có cân có dấu hiệu bị vặt hỏng cáp, thậm chí có vết dao cắt đứt cáp khiến cân hỏng luôn. Thậm chí, có cán bộ cắm USB vào máy tính nên máy nhiễm virus, cân không hoạt động được…

Bình luận về hiện tượng này, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay: “Việc sử dụng cân điện tử để phát hiện xe quá tải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Mỗi công dân, tổ chức, doanh nghiệp đều có trách nhiệm chấp hành các quy định của pháp luật.


7-cho-can-tac-can-xe-tai-xach-tay
 
Mọi chiêu phá hoại cân hay trốn tránh sự kiểm soát đều là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý nghiêm”.

Cân điện tử: Còn nhiều hạn chế

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên
Để việc kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ được thuận lợi, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã cho trang bị 63 trạm cân và từ 1/4/2014, các trạm cân này chính thức hoạt động.
Ngày 16/4, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng cho hay, tính từ ngày 1/4 đến 16/4, các lực lượng đã kiểm soát gần 10.000 xe và tỷ lệ vi phạm tải trọng xe ở mức trên dưới 20%. Có thể nói số xe vi phạm đã giảm so với trước đây (43%). Nhờ đó, việc bảo vệ kết cấu hạ tầng và bảo đảm trật tự an toàn giao thông có chuyển biến rõ rệt.
Nhiều người cho rằng, những chiếc cân điện tử được sản xuất trong nước nhưng những thiết bị quan trọng đều nhập từ Mỹ và châu Âu, đã được kiểm định chất lượng, nên không thể là đồ kém chất lượng.

Thế nhưng, theo ông Bùi Danh Liên, có thể ngay từ khi đưa vào sử dụng, các thông số mà nó đưa ra chưa thật sự chuẩn xác vì hàng áp dụng công nghệ thông tin sản xuất trong nước thì chất lượng, kỹ thuật chưa được cao.

“Muốn tăng độ chính xác, khi đưa cân vào sử dụng phải đúng quy trình. Chẳng hạn, khi lắp đặt phải đặt cân trên mặt bằng phẳng. Phải che mưa vì nếu cân bị ướt, các thông số sẽ sai lệch.
Với những mặt hạn chế trên, Bộ GTVT đã có các chỉ thị để lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh phối hợp với nhà sản xuất điều chỉnh sao cho phù hợp”, ông Liên nói.

Xóa sổ xe quá tải ra sao?

Mọi chiêu phá hoại cân hay trốn tránh sự kiểm soát đều là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý nghiêm
Cũng theo ông Liên, lý do xe quá tải vẫn còn “đất sống” và vẫn có cơ hội ngày đêm cày nát đường sá bất chấp sự xuất hiện của cân điện tử là vì có một số hiện tượng tiêu cực ở cả hai phía: người lái xe và người thực thi công vụ.

“Người lái xe đã quen nếp chở quá tải nên muốn thay đổi cần có thời gian và áp lực. Ngoài ra, cân điện tử của chúng ta cũng có một số trục trặc nên họ có cớ đưa lý do này kia ra để chống đối.
Phải thú thật rằng tư lệnh ngành đã phát động chiến dịch, nhưng tư lệnh vùng chưa ra quân một cách triệt để. Vì vậy, có những tỉnh làm nghiêm túc như Hà Nam, Hà Tĩnh…, nhưng cũng có những tỉnh lấy lý do này, lý do kia mãi mới chịu thực hiện dẫn tới hiện tượng xe vượt tuyến”, ông Liên nhận định.


7-cho-can-tac-can-xe-tai-xach-tay-3

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc cán bộ cắm USB vào máy tính chơi game, nên máy nhiễm virus, cân không hoạt động được là các hiện tượng tiêu cực trong cơ quan quản lý Nhà nước mà trực tiếp là các cán bộ quản lý trạm cân đó.

“Rõ ràng họ chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Muốn giải quyết triệt để tình trạng này, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra xe quá tải, còn phải tăng cường kiểm tra cả những người thi hành công vụ. Tuy vậy, cũng nên tăng cường các chế độ cho những cán bộ trực đêm, làm ngoài trời”, ông Liên kiến nghị.

Đối với chủ xe, để họ không dám tái phạm chở quá tải, ông Liên đề xuất, nếu xe đã tìm được cách “lách luật” vượt qua trạm cân thứ nhất, tới trạm cân thứ hai mới bị phát hiện quá tải thì mức xử phạt với lái xe phải “lũy tiến”, tức là cộng thêm mức xử phạt đáng ra họ phải nộp ở trạm cân trước đó. Không chỉ thế, các trạm bỏ lọt xe quá tải nếu bị phát hiện cũng phải giải trình.

“Tôi nghĩ nếu các nhà thực thi công vụ toàn tâm, toàn ý thực hiện đúng quy trình thì sẽ xóa sổ được chuyện phá hoại cân điện tử như những gì chúng ta từng chứng kiến trong thời gian qua”, ông Liên khẳng định.

Bình luận về thông tin nhiều cán bộ được huấn luyện vận hành cân, được cấp chứng chỉ thì không vận hành, trong khi người chưa đi học, không biết vận hành cân lại sử dụng dẫn đến hỏng cân, ông Liên cho rằng điều đó cho thấy sự thiếu tinh thần, trách nhiệm của cơ quan quản lý trực tiếp, cụ thể là các Sở GTVT.

“Khi lãnh đạo của Sở không quan tâm đầy đủ thì sẽ xảy ra hiện tượng tiêu cực như vậy. Nếu làm không tốt, Sở GTVT các tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc này.
Tôi xin nhấn mạnh là tư lệnh vùng phải chịu trách nhiệm trước tư lệnh ngành khi xuất hiện hiện tượng vi phạm quy trình”, ông Liên nhấn mạnh.

Tác giả: Hoa sen vàng

Nguồn tin: Online news

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

quang cao can dien tu
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây