Nghiêm khắc kiểm tra xử phạt xe quá tải

Chủ nhật - 01/06/2014 17:22
Phát hiện bất cứ xe nào có dấu hiệu khả nghi quá tải, lập tức tổ công tác sẽ áp tải xe này về trạm để cân tải trọng, từ khi được trang bị trạm cân điện tử lưu động việc xử phạt tăng cao
Nghiêm khắc kiểm tra xử phạt xe quá tải
Việc áp dụng phương án kiểm tra xe quá tải mới này bước đầu đã mang lại hiệu quả, giảm áp lực xe trên tuyến quốc lộ. Theo đánh giá của một cán bộ tại trạm cân, việc kiểm tra xe quá tải bằng phương án mới này đạt hiệu quả rất cao.

--- Tp Hồ Chí Minh có lượng xe tải và quá tải lớn nhất cả nước

Xe 'khủng' né trạm cân: Lãnh đạo TP.HCM lên tiếng


24/04/2014 -  VTC News - Giám đốc sở GTVT TP.HCM đã trả lời vấn đề trạm cân "bó tay" với xe siêu trường, siêu trọng như VTC News đã đưa tin.
Sáng 24/4, Sở GTVT phối hợp cùng Phòng CSGT Đường Bộ - Đường Sắt CATPHCM ra quân triển khai chuyên đề xử lý xe quá khổ, quá tải trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM.

Theo đó, lực lượng Sở GTVT chủ lực là Thanh tra GTVT với nhiệm vụ chính là cân đo tải trọng, ra quyết định xử phạt xe quá tải, quá khổ. Riêng lực lượng CGST với 3 thành phần gồm Đội tham mưu, Đội Nam Sài Gòn và Đội An Lạc với nhiệm vụ phát hiện các xe nghi vấn để báo Thanh tra GTVT đưa vào trạm cân; đuổi các xe cố tình né trạm cân, nằm vạ trên đường với lý do xe hư, máy hỏng, hết xăng dầu; dẹp các đám "cò" xung quanh hai bên đường.

Có mặt tại hiện trường, ông Tất Thành Cang - Giám đốc Sở GTVT, trả lời báo chí, năm 2013 cơ quan này xử lý thí điểm chủ yếu ở cảng Cát Lái. Sau đó ngành trang bị 5 cân di động triển khai tại các đội giao thông thành phố kiểm tra xử lý các trục như QL1A, Thủ Đức đi vào hướng Q12, Q7, Bình Chánh, Đồng Văn Cống.
Trục Nguyễn Văn Linh thông suốt không có dừng đỗ kiểm tra tải trọng, do đó lần này khi triển trai thực hiện có một số phương tiện, chủ phương tiện cũng như tài xế đối phó bằng cách dừng đỗ và không tiếp tục di chuyển.

Sở GTVT tổ chức lại giao thông trục Nguyễn Văn Linh theo hướng 2 đường tiếp giáp khu dân sinh chỉ dành cho phương tiện dưới 3,5 tấn và các phương tiện lưu thông.


xe-khung-ne-tram-can-hcm-1.jpg

Tất cả xe tải phải đi vào trong 2 luồng giữa và như vậy trên trục giữa này sẽ dựng bảng cấm dừng đỗ bất cứ phương tiện nào. Nếu phát hiện xe nào vi phạm, CSGT sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định, mục đích là đảm bảo an toàn cho tài xế, chủ doanh nghiệp, cũng như người tham gia lưu thông. Đến một lúc nào đó chính xe quá tải, quá khổ của doanh nghiệp gây tại nạn với chính con em của họ, họ sẽ nghĩ gì?" - ông Cang đặt câu hỏi.

Ông Cang cũng lưu ý, cần sự đồng bộ từ lực lượng CSGT đến GTVT và các lực lượng chức năng khác. Cần gặp gỡ doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lắng nghe, giải quyết khó khăn của họ. Sau đợt này sẽ có những kinh nghiệm, xử lý trách nhiệm tận gốc là chủ cảng, bến, chủ doanh nghiệp vận tải, buộc họ khi bốc hàng phải bốc đúng tải trọng cho phép.

Trả lời PV VTC News về vấn đề trạm cân "bó tay" với xe siêu trường, siêu trọng hoặc hàng hóa nguyên đai nguyên kiện không thể cắt xén cho vừa chiều cao cho phép khi lưu thông trên đường, ông Cang cho biết: "Theo đà phát triển của đất nước, xã hội, để đáp ứng các công trình hiện đại, to lớn, những xe chở hàng hóa đặc biệt lớn, cồng kềnh, liền khối không thể tách rời, chiều cao quá so với quy định khi lưu thông phải có phương án lưu thông được duyệt, được cấp thẩm quyền cho phép và phải đảm bảo an toàn khi lưu thông".


xe-khung-ne-tram-can-hcm-2.jpg

Bên cạnh đó, ông Cang cũng mong muốn đội ngũ phóng viên báo chí, cơ quan truyền thông cần tuyên truyền thường xuyên, nhắc nhở xe chở đúng tải để tài xế, chủ xe, doanh nhiệp, người dân hiểu rõ hơn, toàn xã hội quan tâm sâu rộng hơn.

Chỉ tính riêng trong sáng 24/4 (từ 6h đến 12h), lực lượng Thanh tra GTVT kiểm tra 27 xe các loại, xử phạt 6 xe với tổng mức phạt 75.800.000 đồng; trong có xe BKS 51C21205 chở quá tải 30%-50%, không giấy phép lái xe, không đăng ký xe, bị phạt 23.500.000 đồng; xe BKS 51C21973 quá tải trên 50% bị phạt 14.500.000 đồng.

--- Tp.HCM số tiền thu sau phạt xe quá trọng lượng chỉ là phần nổi

TP Hồ Chí Minh xử phạt xe quá tải, thu gần 11 tỷ đồng


09/05/2014 - Vietnam+ -Ngày 9/5, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết từ 1/4 đến nay, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thành phố đã ra quân đồng loạt kiểm tra, xử lý 2.428 trường hợp vi phạm xe quá tải trọng và chủ phương tiện liên quan đến xe quá tải với tổng số tiền phạt là 10,7 tỷ đồng.

Riêng ba trạm cân kiểm soát tải trọng tại đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, vòng xoay Mỹ Thủy, quận 2 và bến xe Ngã tư ga, quận 12, từ 15/4 đến nay, các trạm đã kiểm tra qua cân 2.011 lượt xe, trong đó xử lý vi phạm quá tải 319 xe, với số tiền phạt là 1,6 tỷ đồng, xử phạt chủ phương tiện liên quan 314 trường hợp với số tiền 1,4 tỷ đồng và tước giấy phép lái xe có thời hạn 333 trường hợp.

Giữa tháng 4/2014, Sở Giao thông Vận tải Thành phố đã đưa vào thử nghiệm Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động hiện đại được lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị cân tải trọng xe ở tuyến đường cửa ngõ của thành phố.


xe-khung-ne-tram-can-hcm-hoasenvang
 
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành Quy định quản lý hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn thành phố nhằm chuẩn hóa quy trình kiểm tra tại đây, tạo cơ sở cho cán bộ chức năng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tải trọng xe và xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên.

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cử ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải giữ nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động.
Theo quy định trên, hoạt động kiểm tra, kiểm soát tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động là hoạt động phối hợp kiểm tra liên ngành giữa Sở Giao thông Vận tải và Công an Thành phố. Mỗi ca công tác đều phải có sự phối hợp giữa cảnh sát giao thông và Thanh tra Sở Giao thông Vận tải.

Trong quy định này, Ủy ban nhân dân thành phố cũng quy định rõ vị trí đặt trạm kiểm tra phải có đủ diện tích để đặt trạm và bãi hạ tải, không làm cản trở, ùn tắc giao thông.
Thành phố yêu cầu không cân xe, hạ tải trên mặt đường đối với những đường hẹp chỉ đủ 2 làn xe chạy, đường cao tốc, đường có mật độ phương tiện lưu thông cao dễ gây ùn tắc giao thông và nguy cơ mất an toàn giao thông.

--- Tai nạn và hạ tầng giao thông được bảo vệ từ tháng 1/ 2014 - vậy trước đó thì sao ?

“Hạ nhiệt” tai nạn giao thông


Từ đầu năm đến nay, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đã có chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là nhờ các địa phương đã gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong kiểm soát an toàn giao thông (ATGT) và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải, quản lý tải trọng xe.

Siết chặt quản lý hoạt động vận tải

Từ đầu năm đến nay trên cả nước đã xảy ra gần 7.000 vụ TNGT, giảm hơn 1.000 vụ so với cùng thời điểm năm 2013. Các tiêu chí về số người chết và bị thương cũng giảm mạnh. Trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có mật độ dân số và giao thông dày đặc nhất cả nước nhưng do thực hiện tốt nhất các giải pháp đồng bộ kiềm chế TNGT nên 4 tháng đầu năm, các tiêu chí về TNGT đều giảm mạnh.

tram-can-xe-ha-nhiet-tai-nan-giao-thong-1.jpg
 
Theo Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Trọng Thái, kết quả này là do có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc siết chặt quản lý hoạt động vận tải; tăng cường trách nhiệm của người thực thi công vụ và sự tuyên tuyền sâu rộng của báo chí về việc lập lại kỷ cương pháp luật giao thông.

Trong 2 tháng đầu năm, tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp do TNGT tăng cao tại các vùng nông thôn. Trên các tuyến quốc lộ, các vụ TNGT liên quan đến xe tải, xe khách thường xảy ra nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để khắc phục thực tế này, Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ GTVT đã chỉ đạo khẩn các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể vào cuộc quyết liệt, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, kiểm soát chặt và xử lý nghiêm tình trạng xe chở quá tải, quá số người quy định... trên các tuyến quốc lộ (QL) trọng điểm như: QL1, 5, 14, 51... Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, tình trạng TNGT đã được kiểm soát tốt hơn. Đặc biệt, việc Bộ GTVT vào cuộc để kiểm soát tải trọng xe đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Trong 2 tháng gần đây số vụ TNGT giảm sâu.

Ông Nguyễn Trọng Thái đánh giá: Công tác quản lý vận tải, phương tiện và người lái rất được chú trọng trong thời gian qua là yếu tố quan trọng góp phần giảm TNGT. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và sở GTVT các địa phương đã siết chặt quản lý điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách trên tuyến, dịch vụ tại các bến xe, trạm dừng nghỉ; chấn chỉnh kịp thời hoạt động của thiết bị giám sát hành trình xe ô tô, thu hồi giấy phép các doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật...

"Từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý trên gần 400.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phạt tiền hơn 200 tỷ đồng và tạm giữ hơn 1.900 ô tô, hơn 35.000 mô tô các loại, tước trên 25.000 giấy phép lái xe". Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt


tram-can-xe-ha-nhiet-tai-nan-giao-thong-2.jpg

Các chuyên gia giao thông cho rằng, sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải được tăng cường. Tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ được nâng cao hơn cũng là yếu tố quan trọng để góp phần hạ nhiệt TNGT.

Theo nhận định của lãnh đạo Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), các cơ quan chức năng đã bắt đúng "bệnh", đó là công tác quản lý vận tải và trách nhiệm của người thực thi công vụ có nơi, có lúc còn buông lỏng, từ đó có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Nhờ triển khai các biện pháp đảm bảo ATGT quyết liệt từ đầu năm, đặc biệt là với xe chở khách nên tình hình TNGT đã có chuyển biến tích cực.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến TNGT là yếu kém trong quản lý hoạt động vận tải. Trong đó, trách nhiệm quản lý nhà nước chính là Bộ GTVT và các Sở GTVT. Do đó, để ngăn ngừa các vụ TNGT, ngành GTVT xác định rõ phải chú trọng quản lý hoạt động vận tải, xử lý nghiêm trách nhiệm các cá nhân đứng đầu.

Năm ATGT 2014 với chủ đề "Siết chặt quản lý hoạt động vận tải, kiểm soát tải trọng xe", Bộ GTVT sẽ tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý thực hiện trách nhiệm về đảm bảo ATGT. Cụ thể, ngay trong tháng 5/2014, Bộ GTVT sẽ ban hành văn bản quy định việc xử lý vi phạm giao thông, trong đó sẽ không chỉ tập trung vào người điều khiển phương tiện, mà người đứng đầu các doanh nghiệp vận tải sẽ phải chịu trách nhiệm, nếu lái xe vi phạm. Quy định này sẽ khắc phục được tình trạng doanh nghiệp khoán trắng trách nhiệm cho lái xe.


tram-can-xe-ha-nhiet-tai-nan-giao-thong-3.jpg

Đặc biệt, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung loại bỏ các tiêu cực trong ngành vận tải. Trước bức xúc của dư luận về tình trạng xe quá tải ở các địa phương vẫn ngang nhiên qua trạm cân mà không bị xử lý ("xe vua"), theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, để xử lý "xe vua", lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng khẳng định sẽ chấn chỉnh hoạt động đăng kiểm bởi nếu đăng kiểm nghiêm túc thì sẽ không có xe quá tải. Sắp tới, Bộ GTVT cũng sẽ trình Chính phủ cấm toàn bộ xe hoán cải và đề xuất lộ trình xử lý những xe đã hoán cải. Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát ATGT như xử lý tốt dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình làm cơ sở xử lý vi phạm giao thông và phạt nguội vi phạm cũng sẽ được tăng cường.

Từ sự vào cuộc của các ngành chức năng, công tác chấp hành quy định vận tải tại các địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Tại thị trấn Lao Bảo (Quảng Trị), những chiếc "xe vua" đã tự giác tìm bãi đất trống để hạ tải không cần sự giám sát của cơ quan chức năng. Doanh nghiệp vận tải Xuân Thành lớn nhất tỉnh Hà Nam đã tự nguyện cắt toàn bộ 100% số thùng hàng cơi nới trên số xe của doanh nghiệp khi người đứng đầu địa phương trực tiếp "xắn tay" vào cuộc... Đây là những minh chứng thể hiện rõ nét nhất cho sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị để hạ nhiệt TNGT từ gốc.

--- Chính quyền quyết tâm chống nạn xe tải chở quá trọng tải quy định

Bộ trưởng Thăng yêu cầu xử lý nghiêm xe quá tải


18/4/2014 – toquoc - Vẫn còn 11 địa phương chưa đưa các trạm cân trọng tải xe lưu động vào hoạt động mặc dù yêu cầu này đã được đưa ra từ nửa tháng qua.

Vẫn còn có nơi chỉ hưởng ứng mấy ngày đầu

Tại cuộc họp sơ kết sau 15 ngày thực hiện kiểm soát trọng tải xe trên cả nước của Bộ Giao thông vận tải, Vụ vận tải cho hay, có 80% số xe nghiêm chỉnh chấp hành không chở hàng vượt quá tải trọng nhưng vẫn còn có 11 địa phương chưa đưa bộ cân lưu động vào hoạt động.

17 địa phương chưa triển khai kiểm tra tải trọng xe liên tục là Quảng Bình, Vĩnh Long, Thừa Thiên Huế, Sơn La, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, thành phố Cần Thơ, Cao Bằng, Hải Dương, thành phố Hải Phòng, Hòa Bình, Lạng Sơn.

Ngoài ra, đáng lưu ý, một số tỉnh sau mấy ngày đầu ra quân hưởng ứng thì nay đã có dấu hiệu dừng kiểm soát xe quá tải.
Vụ trưởng Vụ Vận tải Khuất Việt Hùng cho hay, lãnh đạo một số địa phương chỉ tiến hành cân xe trên hệ thống tỉnh lộ có lưu lượng xe quá tải thấp mà không quan tâm tuyến Quốc lộ trọng điểm. Các lực lượng công an vì nhiều lý do không bố trí lực lượng hoặc bố trí một cách đối phó.


dang-kiem-chup-anh-xoa-nan-xe-coi-noi-thung.jpg

Tại Phú Yên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Thành Trí cho biết, tỉnh này đã bố trí lực lượng cảnh sát tại các trạm cân nhưng các tài xế thường dàn hàng dọc đường khiến cảnh sát phải điều tiết giao thông, sau đó, tài xế ào lên phá trạm cân.
Ông Hùng cũng thừa nhận tình trạng này.

Do có những trạm cân chưa được đưa vào hoạt động 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần theo quy định nên xe quá tải dừng đỗ có trạm lên đến hàng trăm xe. Lợi dụng khi trạm cân nghỉ thì lái xe ồ ạt chạy qua như ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình… gây mất trật tự an toàn giao thông, phá hủy kết cấu hạ tầng đường bộ.  Một số tỉnh còn xuất hiện tình trạng cò dẫn đường để "né" các trạm cân.

Kiên quyết xử lý nghiêm tiêu cực

Những phản ánh trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho hay, ông đã nhận được và việc buông lỏng quản lý nhà nước về tải trọng xe, tình trạng vi phạm quá tải để quá lâu nên việc xử lý không đơn giản.

Ông Thăng cũng cho rằng, việc nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức pháp luật của lực lượng thực thi công vụ là việc tiên quyết. Cùng với Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải khẳng định, sẽ xử lý thật nghiêm tiêu cực trong lực lượng.

Đồng thời ông Thăng đề nghị người dân, doanh nghiệp, báo chí hỗ trợ phát hiện tiêu cực trong kinh doanh vận tải. Ngoài ra, một loạt văn bản pháp lý sẽ được quy định chặt chẽ hơn về điều kiện kinh doanh vận tải.

Tại cuộc họp, Trung tướng Đỗ Đình Nghị - Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, Bộ này thành lập hẳn một đề án yêu cầu lực lượng của ngành tăng cường kiểm tra giám sát, nâng cao trách nhiệm của cảnh sát, chống tiêu cực trong cân xe.


kiem_tra_xe_qua_tai-hoáenvang

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thì cho hay, cục này sẽ mở chiến dịch truyền thông về lĩnh vực đăng kiểm; kiểm tra các đơn vị đăng kiểm; đề xuất quy hoạch hệ thống đơn vị đăng kiểm cả nước; lập đề án nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm… Đồng thời Cục này cũng duy trì đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các phản ánh.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì yêu cầu các địa phương duy trì kiểm tra chặt chẽ tải trọng xe liên tục 24h/24h tất cả các ngày trong tuần, ưu tiên trên các tuyến quốc lộ trọng điểm. Trước đó, ngày 16/4, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện khẩn chỉ đạo siết chặt kiểm soát tải trọng xe. Trong đó yêu cầu cơ quan chức năng phải có biện pháp kiên quyết để chấm dứt tình trạng bao che, dung túng cho các hành vi vi phạm chở hàng quá tải, thách thức dư luận xã hội.

Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra tình trạng phương tiện vi phạm chở hàng quá trọng tải lưu thông trên đường bộ thuộc địa bàn; hàng tháng báo cáo kết quả kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ về Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia./.

Tác giả: Hoa sen vàng

Nguồn tin: Online news

Tổng số điểm của bài viết là: 28 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

quang cao can dien tu
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây