Hướng tới đo lường chính xác và không gian lận

Thứ hai - 14/11/2011 10:18
QĐND Online - Chiều 18-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Đo lường. Đa số đại biểu tán thành sự cần thiết phải ban hàn Luật Đo lường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể, dễ hiểu hơn để luật có thể dễ dàng đi vào thực tế. Nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề xã hội hoá trong kiểm định và nâng mức xử phạt với vi phạm đo lường… Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Đo lường.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, bà Võ Thị Dễ phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, bà Võ Thị Dễ phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN
Phương tiện đo cần được kiểm định

Hoạt động đo lường ở nước ta đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, độ chính xác, chuẩn quốc gia, thiết bị sao truyền... Nhiều hành vi vi phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh điện năng, nước sạch và trong nhập khẩu, lưu thông hàng đóng gói sẵn... Vì vậy, việc ban hành Luật đo lường là rất cần thiết và cấp bách.
Tuy nhiên, một hiện tượng bất cập còn tồn tại, chưa được giải quyết là phương tiện đo lường trong nước chưa được kiểm định còn nhiều. Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Đoàn Ninh Thuận) nêu rõ:  Theo Tờ trình của Chính phủ hiện nay còn 30% - 40% số phương tiện đo thuộc danh mục nhưng chưa được kiểm định đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó còn một số lượng không nhỏ tổ chức kiểm định phương tiện đo ở trong các lĩnh vực như điện năng, nước sạch, xăng dầu cũng đồng thời là doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ này đã gây hiện tượng "vừa đá bóng vừa thổi còi". Theo đại biểu Mai, để khắc phục những bất cập trên, đảm bảo tính khách quan, chính xác và minh bạch trong hoạt động đo lường, bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo công bằng, khách quan trong mua bán, nên chăng cần có đơn vị kiểm định thiết bị đo lường độc lập được các tổ chức quốc tế công nhận để đảm đương nhiệm vụ này và để cho hệ thống đo lường của nước ta sánh vai được với hệ thống đo lường quốc tế và các chứng chỉ chấp nhận ở mức độ toàn cầu.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Dương Kim Anh (Đoàn Trà Vinh) đưa ra giải pháp: “Nên quy định thêm chính sách xã hội hóa hoạt động hiệu chuẩn, thử nghiệm, kiểm định phương tiện đo. Vì theo Tờ trình của Chính Phủ thì hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo hiện nay mới chỉ đáp ứng 60 đến 70% nhu cầu kiểm định, đồng nghĩa với việc còn 30 đến 40% số phương tiện đo thuộc danh mục phải kiểm định nhưng chưa được kiểm định nhưng tôi nghĩ con số thực tiễn còn lớn hơn nhiều. Từ thực tế đó, Nhà nước nên có chính sách xã hội hóa để hoạt động kiểm định phương tiện đo phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Nhà nước chỉ nên tập trung xây dựng các phòng thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn đối với các chuẩn đo lường và phương tiện đo mà tổ chức, cá nhân không đủ năng lực đầu tư hoặc đầu tư không có hiệu quả”.

Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Phát (Đoàn Thanh Hoá) giải thích thêm: “Hiện nay,hệ thống kiểm định phương tiện đo lường ở nước ta về số lượng thì rất đông, kể cả nhân viên cũng như các số lượng các đơn vị, nhưng khả năng để đảm bảo thực hiện thì rất ít, năng lực chỉ đáp ứng yêu cầu rất thấp như các đại biểu trước đã nêu. Tôi nghĩ rằng, chính sách xã hội hóa của chúng ta cần được đẩy mạnh và làm như vậy thì chúng ta có thể đáp ứng được các yêu cầu”.

Xử phạt cần đủ sức răn đe

Hiện nay, người tiêu dùng bị áp lực ngày càng tăng về các hành vi vi phạm quy định về đo lường phát sinh trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật, một số ý kiến cho rằng, mức xử phạt vẫn chưa đủ mạnh.

Đại biểu Võ Thị Dễ (Đoàn Long An) phân tích: “Tôi cho rằng, mức xử phạt vi phạm hành chính hiện hành thì không đủ sức răn đe, do đó cần thiết phải quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo lường ở mức răn đe để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch kinh tế, dân sự, môi trường và trong chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, thiết kế, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường như tại Khoản 3, Điều 47 tôi cho là chưa ổn. Tôi đề nghị cần quy định chế tài các hành vi vi phạm theo hướng như tính mức xử phạt trong Luật An toàn thực phẩm mà chúng ta đã thông qua và luật sắp có hiệu lực thi hành, tức là gấp 7 lần vi phạm và mức xử phạt được tính trên mức sai lệch phương tiện đo lường và thời gian vi phạm.

Tôi ví dụ, 1 lít xăng bị gian lận 0,1 lít và tính vào thời gian kinh doanh và số lượng bán ra hàng ngày, trên cơ sở đó tính ra số lượng gian lận phải nộp phạt, đồng thời nếu cơ sở đó tái phạm thì phải xem xét cho ngừng hoạt động vĩnh viễn. Khi tiếp xúc cử tri nhiều cử tri cũng đề đạt ý kiến này với chúng tôi là cần phải xử phạt hết sức mạnh, để có thể hạn chế những hành vi gian lận này. Chúng tôi cũng đề nghị bên cạnh đó phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về những hành vi này”.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Hứa Chu Khem (Đoàn Sóc Trăng) nhấn mạnh:  “Chúng tôi đồng ý với ý kiến của đồng chí Võ Thị Dễ là mức phạt hiện nay về đo lường là phải phạt nặng thì người ta mới “ngán”. Chứ những đơn vị mà chúng ta phát hiện họ sai phạm thì họ thu lợi bất chính rất nhiều, nhưng mức xử phạt hành chính hiện nay là chưa đủ sức răn đe, nhất là những cột bơm xăng dầu”.

Sáng 19-11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Lưu trữ.

Xuân Dũng


Tác giả: Hoa sen vàng

Nguồn tin: theo Báo Mới

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

quang cao can dien tu
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây