Giới thiệu việc ban hành luật đo lường Việt Nam

Thứ sáu - 04/04/2014 16:48
Đo lường thống nhất và chính xác góp phần vào đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự
Luật đo lường mục đích và ý nghĩa lớn lao trong cuộc sống
Luật đo lường mục đích và ý nghĩa lớn lao trong cuộc sống
Truy vấn nhanh nội dung:

+ Chương I.  NHỮNG QUY ĐỊNH
+ Chương II. ĐƠN VỊ ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG
+ Chương III. PHƯƠNG TIỆN ĐO
+ Chương IV. PHÊ DUYỆT MẪU, KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN,  THỬ NGHIỆM PHƯƠNG TIỆN ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG
+ Chương V. PHÉP ĐO, LƯỢNG CỦA HÀNG ĐÓNG GÓI SẴN
+ Chương VI. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG ĐO LƯỜNG
+ Chương VII. KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐO LƯỜNG
+ Chương VIII. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐO LƯỜNG

+ Chương IX. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH


Mục đích, ý nghĩa của việc ban hành Luật đo lường

Đo lường có vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh, quốc phòng. Hoạt động đo lường diễn ra hàng ngày trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ(KH&CN), quốc phòng, an ninh… ở mỗi quốc gia, trên phạm vi khu vực và thế giới.

Đo lường thống nhất và chính xác góp phần vào đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển KH&CN; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Mục đích cuối cùng của Luật Đo lường là đảm bảo sự công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong mua bán, thanh toán hàng hoá, dịch vụ giữa các tổ chức cá nhân; góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học – kỹ thuật, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường; thúc đẩy lưu thông hàng hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
 
law-weight-scale-hoasenvang-lotusscale

 

Luật Đo lường quy định nhiều điểm mới so với Pháp lệnh Đo lường năm 1999. Phạm vi của Luật Đo lường được xác định rõ và rộng hơn so với Pháp lệnh, không chỉ dừng lại với việc điều chỉnh các hoạt động đo lường pháp định mà còn bao quát tất cả các hoạt động đo lường khác, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường.

Ngày 11 tháng 11 năm 2011 Quốc hội đã thông qua Luật Đo lường thay thế Pháp lệnh Đo lường được ban hành năm 1999. Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2012.

Về nguyên tắc hoạt động đo lường, điều 4 của Luật quy định: hoạt động đo lường phải bảo đảm tính thống nhất, chính xác; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế; góp phần bảo đảm công bằng giữa các bên liên quan trong mua bán, thanh toán hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường; thúc đẩy thương mại; tăng cường hiệu lực và hiệu quả của quản lý Nhà nước về đo lường; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện.

Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ngày càng có những hành vi vi phạm pháp luật về đo lường tinh vi, đa dạng, phức tạp. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, góp phần đảm bảo công bằng, hoạt động đo lường cần phải bảo đảm thống nhất, chính xác, kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật. Từ yêu cầu đó, Luật đã quy định một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đo lường nói chung và hoạt động khác liên quan đến đo lường như sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể như: lợi dụng hoạt động đo lường để gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cố ý làm sai lệch phương tiện đo, kết quả đo; cố ý cung cấp sai, giả mạo kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; giả mạo, tẩy xóa, sửa chữa nội dung trên dấu định lượng, dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định.

weigh-scale-of-law-hoa-sen-vang

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đo lường, Luật quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được chỉ định; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn; quyền của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về đo lường. Luật cũng quy định quyền của người tiêu dùng liên quan đến Luật Đo lường.

Theo đó, người tiêu dùng được cung cấp thông tin trung thực về lượng hàng hóa, phương tiện đo, chuẩn đo lường đã mua; yêu cầu người bán hàng đáp ứng điều kiện để kiểm tra phương tiện đo, thực hiện phép đo, lượng hàng hóa đã mua; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về đo lường; yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trợ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các quyền khác theo quy định của pháp luật.

/icon_download2 Download : Luật đo lường quốc gia việt nam

Cấu trúc của Luật đo lường

Luật đo lường gồm 58 điều, được chia thành 9 chương.


Chương I.  NHỮNG QUY ĐỊNH

Chương này gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7), quy định những vấn đề có tính nguyên tắc chung, chi phối toàn bộ nội dung Luật gồm: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc hoạt động đo lường, chính sách của Nhà nước về đo lường, hợp tác quốc tế về đo lường và những hành vi bị cấm.

- So với Pháp lệnh năm 1999, Luật đã xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đồng thời quy định rộng hơn, không chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh các hoạt động đo lường pháp định mà bao quát các hoạt động đo lường khác, quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân, trong hoạt động đo lường. Luật còn quy định cụ thể chính sách của Nhà nước về đo lường như sau:


- Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng và duy trì hệ thống chuẩn đo lường quốc gia; bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện các yêu cầu về đo lường đối với chuẩn quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển nguồn nhân lực về đo lường;

- Đẩy mạnh xã hội hoá đối với các hoạt động đo lường như: Thiết lập và duy trì chuẩn đo lường; Kiểm định hiệu chuẩn thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Sản xuất phương tiện đo, chuẩn đo lường; Đoà tạo tư vấn nghiên cứu khoa học ứng dụng và phát triển công nghệ về đo lường.

- Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong hoạt động đo lường; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng và phát triển công nghệ về đo lường; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về đo lường.

- Khuyến khích tổ chức cá nhân sử dụng đơn vị đo pháp định để thay thế đơn vị đo khác; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong các hoạt động đo lường phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế. Ưu tiên sử dụng tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được công nhận, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phục vụ quản lý nhà nước về đo lường.


Chương II. ĐƠN VỊ ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG

Chương này gồm 2 mục.

Mục 1 gồm 2 điều (Điều 8 và Điều 9), quy định về: đơn vị đo; sử dụng đơn vị đo.
Khác với pháp lệnh Đo lường năm 1999, quy định tại mục này của Luật đổi tên đơn vị đo hợp pháp thành đơn vị đo pháp định cho chính xác; quy rõ về phạm vi áp dụng đơn vị đo pháp định; quy định về sử dụng chuyển đổi đơn vị đo khác sang đơn vị đo pháp định.

Mục 2 gồm 6 điều (từ điều 10 đến Điều 15) quy định về chuẩn đo lường.
Khác với pháp lệnh Đo lường năm 1999, nội dung của mục này bổ sung quy định yêu cầu cơ bản đối với chuẩn đo lường; sửa đổi bổ sung quy định chuẩn chính chuẩn công tác; quy định rõ biện pháp quản lý đo lường đối với chuẩn chính chuẩn công tác.

Chương III. PHƯƠNG TIỆN ĐO

Chương này gồm 4 điều (từ Điều 16 đến Điều 19) quy định việc phân loại phương tiện đo, yêu cầu cơ bản đối với phương tiện đo; yêu cầu về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 1, yêu cầu về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2;

Việc phân định giữa phương tiện đo nhóm 1 với các phương tiện đo nhóm 2 dựa trên mục đích sử dụng chúng nhằm bảo đảm tính chính xác của đo lường và đảm bảo công bằng khi chúng được sử dụng để thiết lập mối quan hệ giữa các bên liên quan trong mua bán, thanh toán hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường, thanh tra kiểm tra, giám định tư pháp và các hoạt động công vụ khác theo quy định của pháp luật. Đây cũng là một trong những vấn đề được tổ chức đo lường pháp quyền quốc tế (OIML) cũng như các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhiều tổ chức khác hết sức quan tâm.

Chương IV. PHÊ DUYỆT MẪU, KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN,  THỬ NGHIỆM PHƯƠNG TIỆN ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG

Chương này gồm 7 điều (từ Điều 20 đến Điều 26) quy định về duyệt mẫu, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; nguyên tắc hoạt động của kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; điều kiện hoạt động của tổ chức được chỉ định kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Nội dung mới tại chương này so với quy định của Pháp lệnh đo lường năm 1999 thể hiện như sau:


- Quy định rõ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm là hoạt động dịch vụ kỹ thuật;
- Phân định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm bắt buộc để phục vụ quản lý nhà nước về đo lường với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tự nguyện phục vụ yêu cầu về đo lường của tổ chức cá nhân;
- Bổ sung nguyên tắc hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường;
- Sửa đổi, bổ sung quy định về tên gọi và điều kiện hoạt động của tổ chức được chỉ định kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.


Chương V. PHÉP ĐO, LƯỢNG CỦA HÀNG ĐÓNG GÓI SẴN

Chương này gồm 2 mục, 8 điều (từ điều 27 đến điều 34).

Mục 1 về phép đo, gồm 4 điều (từ Điều 27 đến Điều 31) quy định về yêu cầu cơ bản đối với phép đo; các loại phép đo; yêu cầu về đo lường đối với phép đo nhóm 1; yêu cầu về đo lường đối với phép đo nhóm 2.

Nội dung mới của Mục này so với quy định của Pháp lệnh Đo lường năm 1999 thể hiện như sau:


- Phân định phép đo thành 2 nhóm (nhóm 1 và nhóm 2).
- Quy định tất cả các phép đo đều phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản.
- Bổ sung yêu cầu về đo lường đối với phép đo nhóm 1 để đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định.
- Quy định yêu cầu về đo lường đối với phép đo nhóm 2 làm căn cứ bảo đảm yêu cầu quản lý theo quy định của pháp luật.
- Mục 2 về lượng của hàng đóng gói sẵn, gồm 4 điều (từ điều 31 đến điều 34), quy định về phân loại hàng đóng gói sẵn; yêu cầu cơ bản đối với lượng hàng đóng gói sẵn; yêu cầu về đo lường đối với lượng hàng đóng gói sẵn nhóm 1; yêu cầu về đo lường đối với lượng hàng đóng gói sẵn nhóm 2.
- Nội dung mới tại chương này so với quy định của Pháp lệnh đo lường năm 1999 thể hiện như sau:
- Phân hàng gói sẵn thành 2 nhóm (nhóm 1 và nhóm 2).
- Quy định tất cả hàng gói sẵn đều phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản về lượng của hàng gói sẵn.
- Bổ sung yêu cầu về đo lường đối với hàng gói sẵn nhóm 1 để đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định.
- Quy định yêu cầu về đo lường đối với hàng gói sẵn nhóm 2 làm căn cứ bảo đảm yêu cầu quản lý theo quy định của pháp luật;
- Quy định về dấu định lượng; điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn.


Chương VI. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG ĐO LƯỜNG

Chương này gồm 7 điều (từ Điều 35 đến Điều 41), quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được chỉ định; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng đóng gói sẵn; quyền của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về đo lường.
- Khác với Pháp lệnh Đo lường năm 1999, Luật này quy định rõ và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân thành mộp Chương riêng.

Chương VII. KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐO LƯỜNG

Chương này gồm 2 mục.

1. Mục 1 Kiểm tra nhà nước về đo lường gồm 8 điều (từ Điều 42 đến Điều 49) quy định về kiểm tra nhà nước về đo lường: đối tượng kiểm tra nhà nước về đo lường; nội dung kiểm tra nhà nước về đo lường; trình tự, thủ tục kiểm tra; hình thức kiểm tra; cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường; quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường; xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra nhà nước về đo lường; kinh phí lấy mẫu kiểm tra nhà nước về đo lường.
Các quy định trong Mục này chưa có trong Pháp lệnh Đo lường năm 1999.

2. Mục 2 Thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường gồm 3 điều (từ Điều 50 đến Điều 52) quy định thanh tra về đo lường; đối tường và nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đo lường; xử lý vi phạm pháp luật về đo lường

- Nội dung mới tại Mục này so với quy định của Pháp lệnh Đo lường năm 1999 thể hiện như sau:
Quy định rõ Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo lường thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đo lường.

- Quy định trường hợp vi phạm hành chính về đo lường có số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm lớn hơn mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì áp dụng hình thức phạt tiền với mức bằng 01 đến 05 lần số tiền thu lợi bất chính đó. Số tiền thu lợi bất chính phải bị tịch thu. Cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và thực hiện các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp này.

Chương VIII. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐO LƯỜNG

Chương này gồm 4 điều (từ điều 53 đến điều 56) quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về đo lường: trách nhiệm của chính phủ; trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ; trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ; trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp.

Các quy định mới so với Pháp lệnh Đo lường năm 1999 thể hiện như sau:

- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đo lường trong phạm vi cả nước. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước chính phủ thực hiện quản lý nhà nước vè đo lường trong phạm vi cả nước.

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện việc quản lý nhà nước về đo lường.

- Riêng Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc thực hiện quản lý nhà nước về đo lường đối với các hoạt động đo lường đặc thù thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

- Quy định rõ nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân các cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) trong việc tổ chức thực hiện các quy định về đo lường của Nhà nước tại địa phương.

Chương IX. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Chương này gồm 2 điều (từ Điều 57 đến Điều 58).

Điều 57 quy định Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2012 và khẳng định Pháp  lệnh Đo lường số 16/1999/PL-UBTVQH10 ngày 06 tháng 10 năm 1999, quy định về phí kiểm định phương tiện đo lường tại Danh mục phí ban hành theo Pháp  lệnh về phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 58 khẳng định Chính phủ và các cơ quan khác có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

 

/icon_download2 Download : Luật đo lường quốc gia việt nam

Tác giả: Tổng cục đo lường

Nguồn tin: Do luong Viet Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

quang cao can dien tu
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây